Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về Bọ Xít Là Gì? Đặc Điểm, Phân Loại Và Cách Diệt
Khi nhắc đến những loài côn trùng gây khó chịu và phiền toái vì thường lặng lẽ xâm nhập vào ngôi nhà của bạn, có lẽ tâm trí bạn sẽ nghĩ ngay đến loài muỗi, ruồi, rết, gián và nhện. Nhưng còn có một kẻ khác với những kẻ còn lại, đó là bọ xít. Không chỉ gây khó chịu cho chủ nhà, loài bọ này còn trở thành vấn đề nhức nhối đối với những người nông dân khi có khả năng gây hại rất lớn đến cây trồng.
Tìm hiểu về con bọ xít
Đặc điểm chung
Bọ xít là một loài côn trùng trong họ Pentatomidae, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực châu Á. Bọ xít được đặt tên từ mùi khó chịu mà chúng tạo ra khi chúng bị đe dọa. Người ta cho rằng mùi này giúp bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Bọ xít tạo ra chất hóa học có mùi hôi trong một tuyến trên bụng của chúng.
Khả năng phát ra mùi thông qua các lỗ trên bụng của bọ xít là một cơ chế bảo vệ nhằm ngăn chặn việc chúng bị chim và thằn lằn ăn thịt. Tuy nhiên, khi nghiền nát con bọ, làm nó bị thương hoặc cố gắng bắt nó cũng có thể khiến nó tiết ra mùi hôi. Nhiều loài côn trùng khác cũng có những đặc điểm tương tự như kiến, bọ cánh cứng và các loài bọ khác.
Bọ xít được mô tả theo nhiều cách khác nhau. Chúng được biết đến là những con côn trùng lớn với thân hình dạng lá chắn, trông như chiếc khiên với cái đầu nhỏ, 2 cái râu và 6 cái chân. Bọ xít trưởng thành có thể đạt chiều dài gần 2 cm. Bọ xít trưởng thành là những con bay tốt và gấp đôi cánh trên cơ thể khi chúng tiếp đất. Đôi cánh phát triển đầy đủ là cách để nhận biết bọ xít trưởng thành. Khi là côn trùng trưởng thành, một số loài bọ xít có màu sắc rực rỡ. Những loại phổ biến nhất có màu xanh lá cây hoặc hơi nâu.
Những con bọ xít chưa trưởng thành lại có màu từ đen đến hơi vàng. Trên thân của bọ xít có nhiều lằn hoặc có vân, giống như đá cẩm thạch, bao gồm các dải màu sáng xen kẽ trên râu và các dải màu tối xen kẽ ở mép ngoài của bụng. Chân màu nâu với những đốm hoặc dải màu trắng mờ nhạt.
Bọ xít có thể trở thành loài gây hại gia đình khi chúng xâm nhập vào nhà để lấy hơi ấm. Chúng ta thường tìm thấy bọ xít vào những tháng cuối hè và mùa thu khi nhiệt độ bên ngoài bắt đầu giảm xuống. Chúng vẫn ở ẩn trong mùa đông và hoạt động mạnh mẽ vào mùa xuân.
Khi một con bọ xít tìm thấy một vị trí thích hợp để trú ngụ, chúng sẽ triệu hồi những con bọ xít khác thông qua mùi hương. Khi bọ xít di chuyển xung quanh để tìm lối ra, chúng thường chui vào không gian sống trong nhà. Những con bọ thích tập trung trên tường hoặc bên trong cửa sổ. Là một loài xâm lấn lại không có nhiều kẻ thù tự nhiên, bọ xít có thể phát triển một cách nhanh chóng.
Trứng bọ xít
Bọ xít trưởng thành đẻ trứng ở những khu vực chúng thường kiếm ăn. Chúng gắn những quả trứng vào mặt dưới của lá. Trứng dính vào lá cho đến khi nở. Trứng của bọ xít rất nhỏ, thường có màu trắng, xanh lục nhạt hoặc xanh nhạt, đường kính 1mm và được đẻ thành từng chùm khoảng 28 trứng. Khi phôi thai phát triển, chúng ta có thể nhìn thấy được bọ xít con qua lớp vỏ trứng, với hai mắt là hai đốm đỏ. Con cái có thể đẻ gần 500 quả trứng bọ xít trong suốt cuộc đời của chúng và sinh ra nhiều lứa trứng trong một năm.
Khi chưa đủ lớn, những con bọ xít chưa trưởng thành, được gọi là nhộng, bắt đầu di chuyển ra các khu vực gần đó để tìm thêm thức ăn. Chúng di cư vào các cánh đồng và vườn cây ăn trái. Bọ xít không thường tấn công với số lượng lớn. Tuy nhiên, nếu quần thể bọ xít phát triển rất lớn, chúng có thể gây hại nghiêm trọng cho cây trồng trong vườn.
Bọ xít ăn gì?
Bọ xít là loài vật vừa có lợi vừa có hại. Trong tự nhiên, nó thích dùng vòi đâm vào cây để hút dinh dưỡng từ cây trồng, dẫn đến hình thành các vùng lõm hoặc hoại tử trên bề mặt ngoài của quả, dập lá, rụng hạt và có thể lây truyền mầm bệnh cho cây trồng. Nó là một dịch hại nông nghiệp có thể gây hại trên diện rộng cho cây ăn quả và rau.
Ở Nhật Bản, nó là dịch hại đối với cây đậu tương và cây ăn quả. Ở Mỹ, bọ xít bắt đầu kiếm ăn từ cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, trên nhiều loại trái cây, rau và các cây khác bao gồm đào, táo, đậu xanh, đậu nành, anh đào, mâm xôi và lê .Tuy nhiên, một số loài bọ xít là kẻ thù của các loài côn trùng khác. Những con bọ xít săn mồi này thực sự có thể giúp bảo vệ mùa màng chống lại các loài gây hại phá hoại. Chúng ăn sâu bướm, bọ cánh cứng và thậm chí cả bọ xít ăn thực vật, góp phần kiểm soát dịch hại trong vườn.
Có thể bạn quan tâm: Review Tủ lạnh Samsung 4 cánh – Ưu điểm và nhược điểm
Các loại bọ xít
Bọ xít nâu: (Halyomorpha halys), bọ xít nâu trưởng thành dài khoảng 1,7cm, thân người tạo thành hình dạng chiếc khiên huy hiệu đặc trưng của các loài bọ trong siêu họ Pentatomoidea. Nhìn chung, chúng có màu nâu sẫm khi nhìn từ trên xuống, với mặt dưới màu nâu trắng kem. Nó có dải sáng hơn trên râu và dải tối hơn trên cánh.
Bọ xít đen: Con trưởng thành có chiều dài trung bình khoảng 9mm, thân hình bầu dục, với lưng và bụng nhô ra như chiếc mai rùa toàn màu đen. Loài này gây hại cho mùa màng quanh năm, đặc biệt là vụ hè thu.Bọ xít muỗi: nó có tên khoa học Helopeltis. Loài bọ này có hình dáng tương tự loài muỗi với thân hình thon dài, 2 chiếc râu dài hơn cả thân mình, đôi cánh dài mỏng manh che hết cả phần thân và chiếc bụng màu xanh lá. Những vết chích của nó không chỉ khiến lá cây xuất hiện sẹo lõm mà còn tạo điều kiện phát sinh nấm gây hại cho cây trồng.
Bọ xít xanh: Loài này chủ yếu gây hại trên cam, quýt và chanh. về ngoại hình, con bọ đặc trưng bởi màu xanh lá cây, chiều dài cơ thể dao đồng từ 20 đến 22 mm,khá lớn so với những người anh em khác. Rìa ngực trước có 2 gai nhọn, hai bên mép bụng có rìa răng cưa.
Bọ xít hôi: Bọ xít hôi hay còn gọi là bọ xít dài, một loài côn trùng hại lúa và có thể tìm thấy ở hầu hết các quốc gia trồng lúa trên thế giới. Con trưởng thành có màu xanh pha màu vàng nâu, con cái thường lớn hơn con đực. Đặc trưng nhận diện của loài này là chiếc đầu dài, mắt kép hình bán cầu màu nâu đậm.
Bọ xít đỏ: Một loài có vẻ ngoài đỏ tươi lấm chấm những đốm đen vô cùng bắt mắt, đây cũng là một loài có khả năng gây hại rất lớn đến cây trồng đặc biệt là cây bông.
Bọ xít nhãn: Đây là một loài rất phổ biến ở Việt Nam và được tìm thấy nhiều nhất trên cây nhãn, vải. Chúng đặc trưng với màu vàng nâu ở phần thân trên và màu trắng như vôi ở phần bụng dưới, chiếc lưng cứng và có cấu tạo như chiếc khiên.
Cách diệt bọ xít
Giống như con người, hầu hết các loài gây hại không muốn ở ngoài trời trong thời tiết lạnh giá. Bọ xít bị thu hút bởi hơi ấm và nơi trú ẩn của ngôi nhà của bạn, và sẽ xâm nhập qua bất kỳ vết nứt và khe hở nào. Để ngăn bọ xít xâm nhập vào nhà, hãy bịt các vết nứt xung quanh cửa sổ, cửa ra vào, vách ngăn và các khe hở khác.
Khi bọ xít xâm nhập, bạn có thể sử dụng những chất diệt trừ sâu bọ tự nhiên như rải đất diatomite quanh nhà. Loại bột này có khả năng phá hủy lớp sáp giữ ẩm trên vỏ ngoài của bọ xít, khiến bọ xít nhanh chóng bị mất nước và chết đi.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể pha chế dung dịch xịt bọ từ những nguyên liệu sẵn có như dung dịch tỏi băm, dung dịch bạc hà, nước xà phòng, xịt dung dịch này tại cửa sổ hay các khe hở, nơi bọ xít thường lui tới để xua đuổi chúng. Hoặc một phương pháp nhanh gọn đó là dùng máy hút bụi, tấm dính ruồi để bắt nhiều bọ xít cùng lúc.Ngoài những phương pháp trên, bạn cũng có thể tiêu diệt bọ xít bằng thiên địch của chúng, những loài động vật săn bọ xít tự nhiên bao gồm ruồi ký sinh, ong bắp cày, chim, cóc, nhện và bọ ngựa.
Bị bọ xít bắn vào da bôi thuốc gì?
Hầu hết các loài bọ xít không thể cắn hay đốt. Phương pháp phòng thủ duy nhất của nó là phát ra mùi hôi. Tuy nhiên, có một số loài bọ xít săn mồi và một số loài bọ xít ăn thực vật cũng có thể cắn nếu bị đe dọa. Mặc dù vết cắn của chúng có thể bị đau nhưng nó không độc.Trong một số trường hợp hiếm hoi, bọ xít có thể gây dị ứng và các triệu chứng da liễu khi ai đó rất dị ứng với chất dịch mà chúng tiết ra khi tự vệ.
Mặc dù không phổ biến nhưng các triệu chứng như chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt và kích ứng da dẫn đến viêm da có thể xảy ra. Hầu hết các bệnh nhân bị bọ xít bắn vào da đều gặp tình trạng vùng mặt, cổ bị ngứa đỏ, có những vùng phỏng rộp, xuất hiện những vệt sưng tấy đỏ dài như vết cày. Hầu hết những vết phỏng, ngứa do côn trùng đốt sẽ mất đi sau 3 – 5 ngày nhưng cũng có người bị tổn thương sâu, rộng, sưng đau, mưng mủ, bội nhiễm khiến điều trị dài ngày hơn.
Bất cứ khi nào ai đó tiếp xúc với chất phòng vệ của bọ xít, điều cần làm là nhanh chóng sử dụng xà phòng và nước để rửa vùng da bị ảnh hưởng và loại bỏ nguồn gốc của chất có mùi hôi. Sau đó, bôi kem chống dị ứng hoặc bôi các chất có tính trung hòa axit như vôi hay kem đánh răng. Sau khoảng 2 – 3 ngày, vết đốt sẽ dịu hẳn và sau 1 tuần vết đốt sẽ khỏi.
Nếu vết đốt nặng sẽ bong lớp da chết phía ngoài, đồng thời cũng không còn dấu tích gì khác.Tuy không gây hại gì nhiều và những trường hợp nghiêm trọng khi chạm trán với bọ xít gần như bằng không, loài côn trùng này vẫn gây nhiều phiền toái cho gia chủ bởi vẻ ngoài xấu xí và mùi hôi khó chịu.